X
XLinkedinWhatsAppTelegramTelegram
0
Đọc bài báo này bằng:

Hệ thống quản lý đẻ theo nhóm ảnh hưởng như thế nào đến kết quả chăn nuôi sau khi bùng phát PRRS?

Việc chuyển từ quản lý nhóm hàng tuần sang quản lý theo chu kỳ dài hơn đã giúp cải thiện Thời gian ổn định đàn, Thời gian sản xuất tiêu chuẩn, và Giảm tổng số heo thất thoát trên 1.000 nái sau một đợt dịch PRRS.

Bệnh do virus PRRS (PRRSV) gây ra là một trong những bệnh quan trọng nhất đối với ngành chăn nuôi heo toàn cầu. Trong 40 năm qua, các cuộc thảo luận về virus PRRS diễn ra rất sôi nổi và tác động lâm sàng của bệnh này ngày càng gia tăng. Thiệt hại kinh tế do virus PRRS gây ra ở châu Âu được báo cáo dao động từ €75,72 đến €650,09 trên mỗi nái, bao gồm chi phí cho tất cả các giai đoạn sản xuất. Theo cập nhật mới nhất tại Hội nghị IPVS 2024, thiệt hại hàng năm do virus PRRS gây ra cho ngành chăn nuôi heo Hoa Kỳ đã tăng từ 664 triệu USD lên 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, virus PRRS vẫn đang tiếp tục tiến hóa về mặt di truyền và tạo ra các chủng độc hại hơn như L1C.5 ở Hoa Kỳ hoặc Rosalia ở Châu Âu. Trong 21 năm qua, tại Hoa Kỳ, xu hướng sử dụng các loại mẫu thu thập theo nhóm như dịch miệng và dịch chiết (processing fluid) để tầm soát virus PRRS, được sử dụng để xác định tình trạng PRRS của đàn heo sinh sản, đã trở thành các loại mẫu phổ biến nhất cho xét nghiệm RT-PCR PRRSV (xem Hình 1). Sự chuyển đổi này cho phép lấy mẫu nhiều động vật hơn và tăng cường phát hiện virus PRRS, ngay cả khi tỷ lệ lưu hành của virus thấp.

Hình 1. Số ca nhiễm và phân chia theo tỷ lệ phần trăm mẫu xét nghiệm PRRSV bằng RT-PCR qua các năm tại Hoa Kỳ (2001-2024). Hình trích xuất từ ​​trang web Hệ thống báo cáo bệnh heo (SDRS, https://fieldepi.org/domestic-swine-disease-monitoring-program/).
Hình 1. Số ca nhiễm và phân chia theo tỷ lệ phần trăm mẫu xét nghiệm PRRSV bằng RT-PCR qua các năm tại Hoa Kỳ (2001-2024). Hình trích xuất từ ​​trang web Hệ thống báo cáo bệnh heo (SDRS, https://fieldepi.org/domestic-swine-disease-monitoring-program/).

Các nhà chăn nuôi vẫn đang tiếp tục chiến đấu với virus PRRS, một nghiên cứu gần đây cho thấy các biện pháp được thực hiện trên các đàn heo sinh sản để kiểm soát hoặc loại bỏ virus PRRS là không nhất quán.

Chuyển đổi từ quản lý nhóm hàng tuần sang quản lý nhóm chu kỳ dài hơn

Việc triển khai các chu kỳ sản xuất theo cách quản lý nhóm thường chuyển đổi việc sản xuất của đàn sinh sản từ hàng tuần sang các khoảng thời gian cố định theo mô hình nhóm được áp dụng. Thông thường, các nhóm này chuyển chu kỳ sản xuất từ hàng tuần sang các khoảng thời gian thường là hai, ba, bốn, năm hoặc bảy tuần. Ưu điểm của cách tổ chức chu kỳ sản xuất này nằm ở việc tập trung hoạt động của nhân công trong một tuần, giúp dễ dàng thực hiện quy trình "cùng vào - cùng ra" cho tất cả các chuồng đẻ, đồng thời tổ chức quy kỳ sản xuất tốt hơn, chẳng hạn như nhanh chóng nhập đầy khu cai sữa và thuận tiện cho việc tổ chức logistic. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn đó là:

việc chuyển từ quản lý nhóm hàng tuần sang nhóm đẻ mỗi 3,5 hoặc 7 tuần có mang lại lợi thế cạnh tranh về mặt kiểm soát và loại bỏ PRRS không?

So sánh một nghiên cứu được tiến hành trên đàn heo sinh sản được quản lý hàng tuần với một nghiên cứu khác được tiến hành trên các trang trại vận hành bằng hệ thống quản lý theo nhóm bốn tuần (n = 27) cho thấy một số lợi thế ở các trang trại quản lý theo nhóm. Trong cả hai nghiên cứu, đàn nái sinh sản đã được áp dụng chương trình nhập đàn-đóng đàn-phơi nhiễm (Load-Close-Exposure) để ứng phó với các đợt bùng phát PRRS.

Chương trình L-C-E dựa vào:

  • Nhập đàn bằng heo hậu bị nhập về.
  • Đóng đàn đối với đàn hậu bị thay thế mới đưa vào.
  • Phơi nhiễm tất cả heo hậu bị này với chủng virus PRRS bằng cách áp dụng một chương trình cụ thể.

Trong cả hai nghiên cứu, một loại vắc-xin sống nhược độc có bán trên thị trường đã được sử dụng để phơi nhiễm cho toàn bộ đàn.

  • Nghiên cứu đầu tiên sử dụng huyết thanh để theo dõi đàn nái sinh sản đang trong quá trình loại bỏ theo hướng dẫn do AASV đề xuất. Hướng dẫn này yêu cầu lấy mẫu bốn lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 30 ngày, từ 30 heo con chuẩn bị cai sữa có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với virus PRRS.
  • Nghiên cứu thứ hai tiến hành theo một phương pháp tiếp cận đã được điều chỉnh và sử dụng dịch chiết (processing fluid) để phát hiện sự lưu hành của virus PRRS trong các đàn đang trong quá trình loại bỏ virus. Sau khi có hai kết quả âm tính liên tiếp (tương đương hai nhóm hoặc tám tuần) từ mẫu dịch chiết, tiến hành thu thập huyết thanh từ 60 heo con chuẩn bị cai sữa và xét nghiệm bằng phương pháp RT-qPCR trên các mẫu gộp 5:1 để phát hiện RNA của virus PRRS. Các đàn được coi là ổn định khi thu được kết quả âm tính từ mẫu huyết thanh của heo chuẩn bị cai sữa, cùng với hai kết quả âm tính liên tiếp trước đó từ các mẫu dịch chiết. Sau kết quả âm tính trên mẫu huyết thanh heo chuẩn bị cai sữa, trang trại được mở lại và đưa nái hậu bị chưa từng nhiễm virus PRRS vào. Sau 30 ngày kể từ khi nhập đàn, nái hậu bị chỉ báo được xét nghiệm huyết thanh để điều tra sự hiện diện của kháng thể virus PRRS và nếu kết quả âm tính, đàn sẽ được tuyên bố là âm tính với PRRS.

Khi so sánh cả hai nghiên cứu, có thể nhận thấy rằng:

Thời gian ổn định đàn (Time to stability - TTS): thời gian trung bình cho các trang trại vận hành theo hệ thống quản lý nhóm bốn tuần là 27 tuần so với 32 tuần cho các trang trại quản lý nhóm hàng tuần ⇒ TTS ngắn hơn 5 tuần cho các trang trại quản lý theo nhóm. Một nghiên cứu gần đây hơn đã báo cáo TTS trung bình là 38 tuần, điều này sẽ khiến cho sự so sánh thậm chí còn chênh lệch đáng kể hơn.

Tái nhập Heo hậu bị: Các trang trại áp dụng hệ thống đẻ theo nhóm 4 tuần có thể tái nhập heo hậu bị với thời gian trung bình là 33 tuần, trong khi các trang trại áp dụng hệ thống đẻ hàng tuần nhập hậu bị sau trung bình 45 tuần. Sự khác biệt giữa hai chiến lược vận hành này là lợi thế 12 tuần cho việc tái nhập heo nái hậu bị ở các trang trại quản lý theo nhóm (Hình 2).

Hình 2. So sánh hậu bị nhập đàn giữa các đàn nái sinh sản vận hành theo hệ thống quản lý hàng tuần so với hệ thống quản lý nhóm bốn tuần.
Hình 2. So sánh hậu bị nhập đàn giữa các đàn nái sinh sản vận hành theo hệ thống quản lý hàng tuần so với hệ thống quản lý nhóm bốn tuần.

Các phân tích sơ bộ của Chương trình quản lý dịch bệnh PRRS (POMP) sử dụng dữ liệu gần đây hơn đã cho thấy kết quả tương tự. POMP là cơ sở dữ liệu dịch tễ học để theo dõi các đợt bùng phát PRRS trong đàn nái sinh sản. Mục tiêu của chương trình là đánh giá các biện pháp kiểm soát và loại trừ khác nhau trong một đợt bùng phát PRRS và cách các biện pháp đó tác động đến ba chỉ số phục hồi dịch bệnh khác nhau. Các chỉ số đó bao gồm:

  • Thời gian ổn định đàn (TTS): số tuần cần thiết để trang trại sản xuất 13 tuần liên tiếp heo có kết quả PCR âm tính với virus PRRS (Khi cai sữa).
  • Thời gian sản xuất tiêu chuẩn (TTBP): số tuần để trang trại cai sữa cùng một lượng heo con như trước khi bùng phát dịch.
  • Tổng số heo con hao hụt trên 1.000 heo nái (TL): số heo cai sữa hao hụt giữa thời điểm bùng phát dịch và TTBP được điều chỉnh theo 1.000 heo nái, để có thể so sánh giữa các đàn nái sinh sản có quy mô khác nhau.

Do đó, phân tích sơ bộ POMP đã chứng minh sự cải thiện đáng kể về mặt thống kê đối với Thời gian ổn định đàn (TTS) của các trang trại sử dụng hệ thống đẻ theo nhóm nhanh hơn 25 tuần so với hệ thống đẻ hàng tuần (Hình 3). Ngoài ra, các trang trại sử dụng hệ thống đẻ theo nhóm cũng liên quan đến việc giảm 32% tổng số hao hụt khi so sánh với các trang trại đẻ liên tục.

Hình 3. Xu hướng phục hồi Thời gian ổn định đàn (TTS) giữa các đàn nái sinh sản áp dụng hệ thống đẻ theo nhóm so với đẻ hàng tuần/liên tục sau các đợt bùng phát PRRS từ các đàn nái được liệt kê trong POMP. Màu sắc đại diện cho loại hình hoạt động của trang trại (đẻ hàng tuần hoặc theo nhóm) và số lượng các đợt bùng phát được thể hiện trong dấu ngoặc.
Hình 3. Xu hướng phục hồi Thời gian ổn định đàn (TTS) giữa các đàn nái sinh sản áp dụng hệ thống đẻ theo nhóm so với đẻ hàng tuần/liên tục sau các đợt bùng phát PRRS từ các đàn nái được liệt kê trong POMP. Màu sắc đại diện cho loại hình hoạt động của trang trại (đẻ hàng tuần hoặc theo nhóm) và số lượng các đợt bùng phát được thể hiện trong dấu ngoặc.

Hệ thống đẻ theo nhóm có khả năng giúp phá vỡ chu kỳ lây truyền mầm bệnh bằng cách ngăn chặn sự lây nhiễm từ các đàn heo già hơn (nhóm trước, đàn heo gần đến tuổi cai sữa) sang các đàn heo trẻ hơn (các nhóm sau). Lý thuyết và kinh nghiệm thực tế cho phép chúng ta suy luận rằng hệ thống đẻ theo nhóm cũng sẽ giảm sự lây truyền của các tác nhân gây bệnh khác, bao gồm coronavirus đường ruột ở heo, virus cúm A, E. coli. Kết luận, kết quả từ các nghiên cứu dịch tễ học này ủng hộ giả thuyết rằng việc triển khai hệ thống đẻ theo nhóm, thực chất là thực hiện quy tắc "cùng vào-cùng ra" trong chuồng đẻ, khiến các tác nhân gây bệnh khó có thể duy trì sự lây truyền lâu dài trong đàn.

Bình luận bài báo

Mục đích của phần này không phải để kham khảo ý tác giả về bài báo mà là nơi thảo luận cởi mở giữa những người dùng 333.
Để lại một bình luận mới

Quyền truy cập chỉ dành cho người dùng 333. Để bình luận bạn cần đăng nhập.

Bạn chưa đăng ký vào danh sách nhận Tin tức ngành heo

Tin tức ngành heo tới email của bạn

Đăng nhập và đăng ký vào danh sách

Bạn chưa đăng ký vào danh sách nhận 333 trong 3 phút

Bản tin tuần với tất cả các cập nhật trên 3tres3.com

Đăng nhập và đăng ký vào danh sách